Văn hoá doanh nghiệp đến từ cách bạn sống, không phải đến từ những gì bạn nói

Table of Contents

“The answer lies within” ~ Pure Coaching

Xây dựng Văn Hoá Doanh Nghiệp trong thời đại 4.0

Văn hóa doanh nghiệp là gì? 

Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp để theo đuổi và thực hiện các mục đích của doanh nghiệp.

Nói đơn giản, văn hóa doanh nghiệp là tính cách của doanh nghiệp, là cách mà tổng thể doanh nghiệp suy nghĩ, giao tiếp, làm việc. Nếu văn hóa mở thì mọi người sẽ sẵn lòng chia sẻ với nhau, nếu văn hóa làm gương thì lãnh đạo là người thực hiện và sống với văn hóa đó trước.

Cũng như một con người, văn hóa là thứ mà doanh nghiệp nào cũng có dù cố tình xây dựng hay không.

 

Những yếu tố cốt lõi hình thành nên văn hóa doanh nghiệp

1. Con người/ Lãnh đạo

Những nhà sáng lập, founder, hay lãnh đạo cấp cao của tổ chức là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa của tổ chức đó. Chính những thói quen và hành vi của họ quyết định cách mà thành viên trong tổ chức sẽ cư xử, hành động ra sao vì đó là điều chấp nhận được trong tổ chức.

Người ta có câu “Nhập gia tùy tục”. Mỗi nhân viên khi bước vào một tổ chức thì họ sẽ sống và làm theo cách mà những con người nơi đó đã và đang vận hành.

2. Tầm nhìn

Peter Senge từng nói rằng: “Tầm nhìn là bức tranh trong tương lai mà bạn muốn tạo ra”. Một nền văn hóa vĩ đại luôn bắt đầu với một tầm nhìn đa diện. Từ tầm nhìn đó có thể bao quát ra những mục tiêu xa hơn, rồi từ mục tiêu ấy lại giúp định hướng bước đi rõ ràng hơn. Một doanh nghiệp khi xác định được hướng đi, họ sẽ tiến hành thực hiện từng bước một.

Điều này dễ dàng nhận thấy nhất là ở các tổ chức phi lợi nhuận, đa phần tầm nhìn của họ khá đơn giản nhưng đầy nhân văn nên sẽ nổi trội hơn doanh nghiệp kinh doanh. Đơn cử như Hiệp hội Alzheimer có tầm nhìn “vì một thế giới không có bệnh Alzheimer” hay như Oxfam lại có tầm nhìn “vì một thế giới không có đói nghèo”.

Một tuyên bố tầm nhìn tuy là yếu tố đơn giản nhưng lại là nền tảng của cả một văn hóa. Tầm nhìn như là một kim chỉ nam cho mọi quyết định và hành động.

3. Giá trị cốt lõi

Cốt lõi của văn hóa chính là giá trị của doanh nghiệp. Mặc dù tầm nhìn cho thấy mục tiêu của doanh nghiệp nhưng nhờ những giá trị ấy làm thước đo, làm tiêu chuẩn để cân chỉnh những hành vi, quan điểm cần thiết để đạt được tầm nhìn đó. Và nhiều doanh nghiệp cũng tìm thấy các giá trị của họ xoay quanh vài chủ đề đơn giản như: nhân viên, khách hàng, tính chuyên nghiệp,…chính sự độc đáo của những giá trị đó góp phần làm nên một văn hóa doanh nghiệp.

McKinsey & Company là một minh chứng, nơi đây có hẳn một bộ giá trị rõ ràng dành cho tất cả nhân viên và cả công ty liên quan đến cách công ty hết lòng phục vụ khách hàng, đối xử tốt với đồng nghiệp và luôn chuyên nghiệp. Hoặc chúng ta cũng có thể thấy một công ty lớn như Google, giá trị của họ đơn giản chỉ là câu slogan nhưng đó cũng là quy tắc nổi tiếng “Đừng trở thành cái ác – Don’t be evil”, dĩ nhiên ngoài ra họ cũng có bộ giá trị riêng mang tên “10 điều chúng tôi biết là đúng” như là các điều luật lưu hành nội bộ trong doanh nghiệp họ.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng cách nào?

1. Hiểu mình

Văn hóa bắt đầu từ nhà lãnh đạo. Lãnh đạo công ty phải nhìn rõ vào con người của chính mình, cách mình cư xử, ra quyết định, từ đó cùng nhau xây dựng nên tầm nhìn và giá trị cốt lõi của tổ chức. Bởi vì văn hóa doanh nghiệp đến từ cách bạn sống, không phải đến từ những gì bạn nói.

Văn hoá doanh nghiệp đến từ cách bạn sống, không phải đến từ những gì bạn nói

2. Làm gương

Văn hóa đòi hỏi tính nhất quán, và để nó được nhất quán thì hành vi của con người trong tổ chức phải nhất quán. Tôi từng thấy một CEO muốn tổ chức của mình có văn hóa “thẳng thắn” và mỗi cá nhân dám nói những gì mỗi người suy nghĩ. Nhưng trong một buổi họp toàn công ty, anh hỏi có ai có bất kỳ điều gì muốn chia sẻ không thì cả công ty im phăng phắc, kể cả những lãnh đạo cấp cao của tổ chức.

Nếu cả thành viên lãnh đạo còn không làm, làm sao những thành viên tổ chức cảm thấy đủ an toàn để sống và làm theo văn hóa đó được. Vượt qua những giới hạn của chính mình, trở thành con người có những giá trị nhất quán là một thử thách mà các nhà lãnh đạo phải vượt qua để xây dựng được văn hóa đúng nghĩa.

    Coaching là một giải pháp rất hữu hiệu giúp lãnh đạo phát triển nội lực của chính mình. Nếu giá trị cốt lõi là chính trực và nhà lãnh đạo chưa làm được thực sự hoàn thì văn hóa đó sẽ không bao giờ được thật sự hình thành. Hãy nhớ, “văn hóa là những gì chúng ta sống hàng ngày”.

 

3. Chọn người và đào tạo người

Khi đã xác định được rõ văn hóa mình muốn có và sống đúng với văn hóa đó, việc còn lại của doanh nghiệp là tuyển dụng được người có tiềm năng phù hợp với văn hóa của mình, đồng thời can đảm lọc bớt những thành viên không phù hợp với văn hóa dù đã cống hiến thời gian dài thế nào chăng nữa.

Bởi vì những thành viên không phù hợp văn hóa thì dù có kỹ năng giỏi, có năng lực cao ở khía cạnh cá nhân vẫn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tính ổn định của cả tổ chức và họ thường là người sớm muộn sẽ ra đi. Chọn, giữ và đào tạo người phù hợp là quan trọng nhất để một doanh nghiệp được phát triển bền vững.

 

Một số văn hóa doanh nghiệp phổ biến hiệu quả cho thời đại cách mạng 4.0

1. Văn hóa trao quyền

Thay vì cầm tay chỉ việc, các tổ chức có xu hướng chuyển sang giao kết quả, và để cho nhân viên tự do thực hiện theo cách của mình để đạt được mục tiêu. Với văn hóa này, nhân viên cần có tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời lãnh đạo cũng phải chuẩn bị và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho nhân viên.

 

2. Văn hóa làm gương

Làm gương vừa là cách để xây dựng văn hóa, vừa là một loại văn hóa rất được các tổ chức quan tâm và sử dụng trong xã hội hiện nay. Làm gương giúp cho văn hóa không còn chỉ là khẩu hiệu, mà thực sự là một văn hóa bền vững.

Nếu muốn nhân viên ghi nhận nhau, lãnh đạo hãy ghi nhận nỗ lực nhân viên. Nếu muốn nhân viên thẳng thắn chia sẻ, hãy can đảm mở lòng chia sẻ từ góc nhìn của mình trước.

 

3. Văn hóa Coaching

Tương tự văn hóa trao quyền là để nhân viên tự do thực hiện, người lãnh đạo còn có khả năng đồng cảm và đặt ra được những câu hỏi khơi quyền (powerful questions). Từ đó kích thích được khả năng sáng tạo và tư duy của nhân viên, giúp họ có những giải pháp đột phá cho công việc.

Văn hóa Coaching giúp mỗi nhân viên không chỉ phát triển về mặt kỹ năng, mà còn cả phần con người của họ để cuộc sống trở nên cân bằng và trọn vẹn hơn. Từ đó giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc do áp lực công việc, mâu thuẫn với sếp và đồng nghiệp,…

Tìm hiểu về coaching nơi công sở.

 

4. Văn hóa Startup – mãi mãi tinh thần khởi nghiệp

Văn hóa startup là văn hóa khuyến khích sự cách tân, đổi mới, không ngừng tư duy khác biệt. Và điều quan trọng nhất là không ngừng đón nhận thay đổi lẫn rủi ro. Tổ chức có văn hóa startup sẵn sàng khuyến khích nhân viên thử nghiệm những điều mới lạ, làm những điều chưa ai dám làm, và đón chào thay đổi như một điều hiển nhiên.

Văn hóa này giúp doanh nghiệp có tính linh hoạt, tư duy mở và theo kịp sự biến đổi quá nhanh của xã hội hiện nay. Nơi mà những gì diễn ra hôm nay đã lạc hậu vào ngày mai.

Tham khảo thêm: hbr.org/organizational-culture

 

– Coach Ngọc Tiến –

 

Release Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *