coaching-happiness-song-cham

Table of Contents

“The answer lies within” ~ Pure Coaching

NGHỆ THUẬT SỐNG CHẬM

Mahatma Gandhi từng nói, “Cuộc sống còn nhiều điều thú vị chứ đâu chỉ có duy nhất một việc là làm cho cuộc sống này bận rộn hơn”.

Kỷ nguyên công nghệ thông tin này có quá nhiều thứ tranh nhau giành lấy sự chú ý của ta. Nhìn xuống smartphone thì thấy vô số banner quảng cáo, gameshow, chương trình ca nhạc giải trí; ngước lên thì thấy biển hiệu, quảng cáo đầy đường. Cuộc sống hối hả không ngừng đó hẳn đôi lúc khiến bạn mệt mỏi vì phải luôn cố “nhồi nhét” vào lịch trình hàng ngày càng nhiều hoạt động càng tốt.  

Trong quyển sách Việc Gì Phải Vội (In Praise of Slowness: Challenging the Cult of Speed) của mình, Carl Honore cho rằng lý do người ta ngày càng sống vội chính là:

“Tốc độ giúp con người xây dựng thế giới theo hướng trở nên tuyệt vời và tự do hơn. Ai có thể sống thiếu Internet hay smartphone? (Tất nhiên có nhưng chiếm thiểu số). Vấn đề bắt đầu phát sinh và đi quá xa khi ta ngày càng bị phụ thuộc, thậm chí là nghiện hay sùng bái lối sống này. Ta bị ám ảnh lúc nào cũng muốn làm nhiều thứ hơn trong thời gian ngắn hơn. Ngay cả khi nó phản tác dụng thì ta vẫn cứ bị phụ thuộc, nghiện và sùng bái nó.”

Trong một thế giới nơi thông tin luôn được cập nhật liên tục và không ngừng, nhịp sống nhanh đã trở thành mặc định và được xem là “bình thường”. Nhưng có nhất thiết phải như vậy? Cuộc sống trôi nhanh đến mức bạn gần như không tận hưởng được gì, cho đến khi giật mình nhận ra thì đã quá muộn màng.  

1. Hậu quả của lối sống vội là gì? 

Và cuộc sống trở nên thật mệt mỏi! Thế mà hàng triệu người vẫn thường xuyên cảm thấy tội lỗi mỗi khi họ dành thời gian cho người thân, nghe nhạc hay đi bộ. Như vậy thì còn gì là thư giãn hay nghỉ ngơi? Bạn sẽ không bao giờ có cảm giác hoàn thành vì danh sách to-do list cứ dài mãi không thôi.

Nhưng bạn biết không, chúng ta không cần lúc nào cũng vội vàng hấp tấp và chạy không ngừng nghỉ như chú chuột hamster trên vòng quay. Thử nghĩ sẽ thế nào nếu bạn có thể bước ra khỏi guồng quay đó và bắt đầu là người kiểm soát hoàn toàn thời gian cũng như trí não của mình? Cuộc đời này là của bạn và bạn hoàn toàn có thể sống theo cách mình muốn!

Hãy sống chậm lại bằng cách dành thời gian để tận hưởng một ngày trọn vẹn, hiện diện trong thời khắc hiện tại, trân trọng các mối quan hệ và cảm nhận niềm vui trong mọi hoạt động bạn làm thay vì cố làm nhanh cho xong chuyện.

Sống chậm giúp bạn làm chủ cuộc sống của mình và dành đủ thời gian cho những điều thật sự quan trọng.

Sống chậm cũng có nghĩa là khi làm việc gì thì bạn cũng toàn tâm toàn ý tập trung chứ không ôm đồm nhiều việc cùng lúc cuối cùng không việc nào ra hồn. Trên trang Zen Habits của mình, Leo Babauta (một tác giả, blogger nổi tiếng người Mỹ) khuyên ta tập trung vào những gì đang diễn ra – bao gồm những gì ta đang làm và môi trường xung quanh:

coaching-happiness-song-cham

 

Sống chậm là một lựa chọn không dễ dàng nhưng sẽ giúp bạn cảm thấy thảnh thơi hơn và tận hưởng được nhiều thứ hơn trong cuộc sống.

“Hãy sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Bạn sẽ luôn nhớ là mình đang ở đâu, đi đâu và vì sao mình muốn đi đến đó,” nam diễn viên Eddie Cantor nói.

Lần cuối cùng bạn thong thả tận hưởng giây phút hiện tại mà không hối tiếc quá khứ hay lo lắng tương lai là khi nào? Sau mỗi ngày làm việc, bạn có bao giờ nhìn lại và tự hỏi “Hôm nay tôi thật sự đã làm gì?” chưa? Sống chậm nghe có vẻ khó nhưng hoàn toàn trong tầm tay của bạn. Hãy bắt đầu bằng việc quan sát cách bạn sử dụng thời gian.

Sống chậm nghĩa là xây dựng một hệ thống cá nhân giúp định hướng hành động và phản ứng với hoàn cảnh. Lựa chọn có ý thức này sẽ giúp bạn chủ động lựa chọn những điều thật sự quan trọng, tạo ra năng lượng để làm điều đó và bắt đầu tập trung hơn vào cách bạn trải nghiệm cuộc đời mình. Ngay cả khi bạn không hoàn toàn theo được kế hoạch – rất ít người trong chúng ta có thể làm được – thì sống chậm cũng giúp bạn làm chủ sự tập trung của mình. 

Trong quyển sách Make Time: How to Focus on What Matters Every Day (tạm dịch: Cách tập trung vào những điều quan trọng), Jake Knapp và John Zeratsky viết, “Với thói quen và cách tư duy mới này, bạn sẽ ngừng phản ứng trước những thứ khiến bạn xao lãng và bắt đầu chủ động dành thời gian cho những người và những việc thật sự quan trọng với bản thân. Đây không phải là tiết kiệm thời gian mà là dành thời gian cho những điều có ý nghĩa hơn”.

Xem thêm: Mô hình Pure Coaching

2. Những cách đơn giản để bắt đầu sống chậm lại

Một cách đơn giản để “khởi động” lối sống chậm là hỏi bản thân câu này vào đầu ngày: “Việc quan trọng nhất của ngày hôm nay là gì?”. Sau khi xác định được những việc đó, hãy ưu tiên và tập trung hoàn thành chúng trong ngày.

Ngoài ra, bạn cũng nên thiết lập các thói quen lành mạnh để một ngày của bạn trở nên trọn vẹn hơn, ít gấp gáp và hối hả hơn. Hãy để tâm đến những điều nhỏ nhặt mà thường ngày bạn không chú ý trên đường đi làm hay về nhà. Đừng mãi nghĩ đến công việc hay quá tập trung vào tình hình kẹt xe để rồi bực bội. Bạn không thể nào thay đổi được nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn cách phản ứng. Vậy là có thêm chút thời gian để tận hưởng cuộc sống rồi!

Thêm vào đó, hãy tìm kiếm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt. Có rất nhiều thứ thú vị xung quanh, bạn chỉ cần chú ý quan sát và lắng nghe. Những niềm vui nhỏ này sẽ giúp bạn cảm nhận cuộc sống một cách sâu sắc và tránh được những căng thẳng không cần thiết.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo thói quen mới để “giải phóng” tâm trí khỏi công việc, ví dụ như học thêm một ngoại ngữ hay kỹ năng. Sống chậm không có nghĩa là ngồi yên một chỗ, nó còn bao gồm việc có thêm niềm vui hay làm mới cuộc sống của mình.

Hãy dành thời gian thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành, ngắm nhìn làn nước trong vắt hay hàng cây xanh, và vận động thể chất ngoài trời khi có thể. Và hãy làm điều này mỗi ngày. Hoạt động gì cũng được miễn là bạn thích. Chúng ta không thể sống vui vẻ nếu không thích những thứ mình đang làm. Tiến sĩ Tâm lý học Leslie Becker-Phelps có nói:

“Nếu không biết bắt đầu từ đâu thì hãy tập trung vào chính mình. Bạn có hứng thú với điều gì? Điều gì có khả năng khơi gợi cảm hứng trong bạn? Bạn đã từng thích hoạt động nào? Chỉ đơn giản là nghĩ đến và không ngừng thử cho đến khi nào tìm được thứ bạn thật sự yêu thích.”

Cuộc sống ngắn lắm và đôi lúc rối rắm, nhưng bạn hoàn toàn có thể lấy lại quyền kiểm soát bằng cách sống chậm lại một cách có chủ ý. Cũng đừng quên lưu ý và điều chỉnh cách bạn sử dụng thời gian và không để những thứ kém quan trọng choáng hết cuộc đời mình. Rồi bạn sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao!

Tác giả: Thomas Oppong, nhà sáng lập AllTopStartups | Tác giả sách | Người khởi tạo khóa học Thinking in Models và Kaizen Habits

 

 

 

Release Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *