thiền vipassana coaching

Table of Contents

“The answer lies within” ~ Pure Coaching

6 năng lực Coaching học được từ triết lý vi diệu thiền Vippassana

Giống như một đứa trẻ, học những bước đi đầu tiên..
Like a toddler, learn to walk

Khi những khách hàng của mình nói về cảm giác re-born, mình đã không cảm nhận được hết cảm giác của họ. Mình lướt qua chữ đó khá nhanh, và chú tâm hơn về những điều được mô tả khác. Cho đến khi chính mình được trải nghiệm cảm giác đó, cảm giác được làm một em bé trở lại, cảm giác được lẫm chẫm những bước đi đầu tiên, thấy cuộc sống như giờ vừa mới bắt đầu, xúc động run rẩy. Thế nên, chúng ta ít khi có thể hiểu hoàn toàn được người khác cho đến khi thực sự bước vào đôi giày của họ.

Mình đã nhắc đến thiền Vipassana khá nhiều trong suốt 2 năm qua, người thầy lớn và đủ đầy nhất của mình chính là Sư Ông Nhất Hạnh, mình đã làm Workshop Thông minh cảm xúc theo Vipassana cho cộng đồng và khóa học Sống Đời Mình Muốn (4/2021). Và mình nói nhiều đến nỗi mà team mình bảo “khen ai khen Phật”, song mỗi lần tham dự lại luôn là một sự chuyển hóa rất sâu sắc, sự rúng động thân tâm.

Bánh xe Pháp (Dharma) đã quá đủ mạnh mẽ để trường tồn và tiếp tục lớn mạnh hơn 2500 năm qua. Mình không là ai cả để nói rằng chia sẻ để giúp cho bánh xe Pháp được lăn rộng lớn hơn, thật là quá ngạo mạn để nói như thế. Mình chỉ muốn chia sẻ một chút xíu, một mẩu bánh vụn – dựa trên góc nhìn của mình, cảm nghiệm của mình, trong một hiểu biết giới hạn rất bé nhỏ, mang tính nhập môn & gõ cửa. Vì thế, mình cũng rất thích được nghe góc nhìn của người khác, trải nghiệm của người khác – điều đó quả thật giúp thế giới quan được mở rộng ra rất nhiều.

Đây là vài điều nhỏ bé của mình:

Đừng “sống say, chết mộng

Mình biết đến thiền cách đây hơn 10 năm trước khi đọc được một dòng chữ trên một blog hay bài viết nào đó “Thiền là quan sát hơi thở vào ra, có thể thông qua theo dõi sự phồng xẹp của bụng”. Mình chỉ đọc dòng chữ đó thôi, và mình bắt đầu ngồi xuống thử. Chỉ một vài hơi thở, mình cảm thấy thật nhẹ nhõm và dễ chịu. Mình không hiểu vì sao chỉ việc ngồi xuống và theo dõi hơi thở ra vào giúp cho tâm trí mình trở nên quang đãng (như đám mây dày đặc rồi trở nên thưa mây hơn, mặt hồ nước được vạt bớt cỏ bèo để nước trong hơn), song thực nghiệm là như thế. Mỗi lần khoảng 1 tuần hay 10 ngày không ngồi xuống, mình nhìn vô trong thì thấy mặt nước đã lại đầy ao bèo, chật kín ních bên trong, vô cùng chộn rộn nên mình đã luôn quay trở lại. Mình đã bắt đầu với việc ngồi 2 phút, rồi 5 phút, rồi 10 phút… hơn 10 năm thực hành mình có thể ngồi 20-30 phút rồi mới mở mắt ra. Cho đến khi đi học Vipassana mình mới biết mình đã thực hành thiền Anaparna và lý do vì sao chỉ cần quan sát hơi thở lại giúp thanh lọc tâm như vậy. Quả thật là một sự hiểu biết chấn động đối với mình. Vậy nên, nếu bạn tham gia một khóa 10 ngày với 10 tiếng mỗi ngày thiền, với sự giảng dạy và giải thích triết lý cặn kẽ thì giống như bấm một nút tua nhanh 10 năm với một sự chuyển hóa rất sâu (đây chính là giá trị của một người thầy).

1-2-3 ngày đầu tiên bạn sẽ được hướng dẫn để cảm nhận hơi thở đó rõ hơn, đó là luồng hơi chạm lên vành mũi, hơi nóng khi hơi thở vào cơ thể rồi ra ngoài, chạm vào phần cửa mũi – rõ đến mức như bạn thấy thời gian lắng đọng lại để bạn chỉ cảm nhận được những xúc chạm rất vi tế. Lời nói của thầy vang lên “khi sống trong tâm trí, sẽ không cảm nhận được những cảm giác trên thân”, mình bắt đầu mới hiểu cảm giác kéo cánh cửa tâm trí lại. Cứ chỉ cần cửa tâm trí hé mở, chúng ta sẽ lại đánh mất cảm nhận.

Mình hiểu thế nào là NHIẾP TÂM và nhận ra rằng chính tâm trí là thứ khiến cho con người không bao giờ thấy được và cảm nhận được thực tại. Tâm trí nó đeo kính đen thì nhìn thấy mọi thứ màu đen, màu hồng thì nhìn thấy màu hồng, ai cũng nghĩ là mình đã thấy đúng là như thế nhưng đó chỉ là lớp màng tâm trí. Khi mình đã có thể nhiếp tâm, mình có thể cảm nhận được luồng hơi qua mũi va vào một số vị trí nhất định trên vành mũi, nó “đau” hơn chỗ khác trên vành mũi; bắt đầu cảm nhận được những hơi nóng trên da, một số chỗ lạnh, những nơi mạch đang đập nhanh và chậm, dần dần bạn có thể cảm nhận rõ nhịp đập của trái tim, dưới làn da mỏng dày thế nào của cơ thể… Bạn bắt đầu “kết nối với thực tại”, sống trong thực tại. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình nhìn thấy mọi thứ đúng như vậy mà, song ngành coaching có một câu rất phổ biến: “Chúng ta không nhìn thấy nó như nó là, chúng ta thấy nó như chúng ta là…” Một câu nói rất hay mà bạn có thể trực tiếp thực nghiệm thông qua thiền.

Từ những ngày đầu tiên thiền, có một câu nói của Đức Phật luôn vang trong đầu mình “có những con người cả đời sống say, chết mộng”, tức là để tâm trí kéo đi miên man bất tận và không bao giờ dừng lại để nhận ra thực tại. Đó đã là câu nhắc nhở để mình trở về với hơi thở, luôn luôn trở về với hơi thở.

Thông minh cảm xúc theo Vippassana

Một điều mà mọi người sẽ cực kỳ trông đợi trong các khóa học chính là buổi pháp đàm – các thầy cô dạy nói chuyện sâu sắc, thông tuệ mà cực kỳ hài hước và vui vẻ. Có một câu (được dịch) từ lời giảng của thầy Goenka là “bạn muốn gọi nó Vipassana cũng được, muốn gọi tên gì cũng được nhưng nhất định nó phải nói đến cơ thể và các cảm giác trên cơ thể”. Phải, chắc chắc bạn muốn nói đến emotions (Emotions = energy motions = cảm xúc chính là chuyển động năng lượng), nhất định nó sẽ cần kết nối với cơ thể. Nếu như nói về cảm xúc, mà chỉ nói ra trên tâm trí, sự chuyển hóa sẽ hoàn toàn không thể diễn ra, dù có nỗ lực bao nhiêu năm đi nữa. Ngay sau khóa Vipassana đầu tiên, mình đã chia sẻ trong workshop Thông minh Cảm xúc theo Vippassana và cung cấp bộ 03 câu hỏi để Lắng nghe cảm xúc, Rũ bỏ cảm xúc trên cơ thể và nghe được Thông Điệp của Cảm Xúc. Đây cũng chính là nguyên lý embodiment (đưa vào trong cơ thể) trong các hoạt động coaching mang tính chuyển hóa.

Samskara

Vippassana dạy cho chúng ta cách gỡ bỏ hạt giống nghiệp và bạn sẽ có một cái nhìn hoàn toàn chủ động về nghiệp, quan trọng hơn là một phương cách không thể rõ ràng hơn để làm chủ tâm. Riêng lĩnh vực này thật sự là khía cạnh chính và rất lớn của nội dung khóa, nên bạn hãy tự đi thực nghiệm. Giáo pháp vi diệu và đồ sộ, không dám lạm bàn.

Sati (ý thức)

Mỗi khi đưa ý thức di chuyển trên khắp cơ thể, mình đều mỉm cười với suy nghĩ: “chúng ta là cơ thể có một ý thức hay chúng ta là ý thức đang di chuyển trên khắp cơ thể đây?”. Chúng ta chính là ý thức, chúng ta đang “di chuyển” và chúng ta có thể ra lệnh cho cơ thể đưa tay hay đưa chân, thư giãn hay căng gồng. Yoga và Coaching hàng ngày giúp cho mình có thói quen di chuyển ý thức trên cơ thể rất thường xuyên, cho cả mình cũng như khách hàng nên giây phút mỉm cười này diễn ra rất thường xuyên. Cô Cherie Carter Scott – được gọi là Mẹ của Ngành Khai Vấn (Mother of Coaching), nói: “There is awareness, there is a choice” (Nơi nào có ý thức, nơi đó có lựa chọn). Câu nói này đã ngay lập tức khiến mình “wow, thì ra tạo ra sự chuyển hóa cho người khác không hề khó” và đây chính là kim chỉ nam cho pure coaching (coaching thuần túy/nguyên thủy) – mỗi người sẽ tự đưa ra lựa chọn thay đổi cho chính mình, khi ánh sáng ý thức được chiếu rọi.

pure coaching

Toàn bộ khoa học của Thiền và Yoga chính là phát triển ý thức – ngay khi một sự tách rời (detachment/dis-association) – không đồng hóa với cơ thể, tâm trí hay cảm giác được diễn ra, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Một lần nữa, bạn cứ một lần thực nghiệm thì mọi thứ sẽ rõ ràng.

Phần lớn mọi thứ diễn ra trong vô thức 

Chúng ta cố gắng thay đổi trên bề mặt ý thức (consciousness), song thực tế phần lớn mọi thứ diễn ra trong vô thức (unconsciousness), do vô thức quyết định. Vô thức nhưng không hề vô thức, nó chưa một giây phút nào ngừng nghỉ, chưa hề quên chụp bất kỳ ngọn cây – ngọn cỏ – ngôi nhà nào bạn bước qua. Thầy Nhất Hạnh nói: “có một thứ biết sẽ tự kéo chăn cho bạn khi trở lạnh, đạp nó ra khi thời tiết nóng hay biết đập khi một con muỗi tới đốt trong đêm”. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình lựa chọn theo đuổi điều này kia là dựa trên ý chí cá nhân của bản thân, thực sự mọi sự yêu thích/ghét bỏ; khó chịu/dễ chịu được diễn ra trong vô thức với sự tổng hợp của rất nhiều nguồn, và nó đã được diễn ra thành một cảm giác. Việc lựa chọn bên ngoài lúc này chỉ là một hệ quả. Việc thấu hiểu thực sự phải quay trở về cái đầu nguồn cội ấy – làm chủ tâm chính là làm chủ từ bên trong mình, gỡ những bám víu về sự dễ chịu/khó chịu trước khi nó diễn ra thành một cảm giác, thành một hành động.

Triết lý của Đức Phật nhấn mạnh nhất câu “Attachment is the root of suffering” (Dính mắc chính là cội rễ của đau khổ) – song không phải là sự buông bỏ về mặt hình thức. Một người có thể vẫn có tất cả mọi tài sản, vợ con, vật chất mà bên trong vẫn có thể có sự tự do nội tâm; một người có thể buông xả hết bên ngoài nhưng có thể đầy sự bám chấp bên trong, chỉ là nỗ lực từ bỏ. Sự tự do nội tâm (inner freedom) mới là tự do cuối cùng, bước chân đó mới là thảnh thơi thật sự. Mỗi một bước tiến lúc này mới là gần hơn đến tự do, không phải là những triết lý.

Tâm An, Trí Sáng

Khi tâm bớt đi những bất tịnh (impurities) hay càng tinh khiết, tâm trí sẽ trở nên ngày càng minh mẫn, rõ ràng. Đây chính là con đường quay trở vào trong và tìm thấy người Thầy của chính mình, có được câu trả lời từ bên trong. 

Vippassana khuyên và giúp con người đạt đến trí tuệ thông qua thực nghiệm, trải nghiệm (tu tuệ).

Mình có hay nói chuyện với một vị Yogi già rất thông tuệ, ông đã 60-70 tuổi. Một lần ông bệnh nặng và phải nhập viện một tuần, khi ra viện ông nói với mình: “Suốt một đời tôi tập Yoga, thế nhưng 1 tuần trong bệnh viện khi cơ thể yếu đi tâm trí đã nhảy ra và nói một cách khủng khiếp. Tôi đã nói với Guru của mình rằng, sau khi ra viện nhất định tôi sẽ chăm chỉ hơn nữa trong việc học về tâm trí, làm chủ tâm trí của mình. Tôi không thể điều này diễn ra lần nữa”.

Trong khoa học Yoga, tâm trí là một faculty (một cơ quan/một phần) của chúng ta trong các lớp vỏ bọc, cùng với các lớp vỏ bọc trí nhớ, thông tuệ, phúc lạc… trên con đường tiến tới cảm nghiệm được bản chất thật sự (nguồn, sự thật tối thượng, true self, nguồn cảm hứng, love). Làm chủ được tâm thì ta mới có thể tiến bước vững vàng trên con đường đó được.

Cảm ơn bạn đã đọc tới đây và mong là các bạn có thêm nguồn cảm hứng cho hành trình phát triển bản thân. Càng học chúng ta sẽ càng sẽ có những bước chân thảnh thơi, thoải mái hơn, tự do hơn. Khi bạn bắt đầu nếm được vị ngọt của nội tâm, sẽ khó có niềm vui nào khác so sánh nổi. 

Coach Thục Linh 

Luôn luôn theo đuổi đam mê và để hạnh phúc dẫn lối là hai yếu tố quan trọng giúp Thục Linh thường xuyên có được thành công trong công việc của mình. Giải vàng Chuyên gia Phân tích Truyền Thông Thế giới, Quản lý tại Công ty truyền thông Đa Quốc gia. Thục Linh đặc biệt quan trọng hơn phát triển mục tiêu bên trong về tâm hồn và tinh thần – Cô là giáo viên Yoga cổ điển & Thiền định. Mô hình tính cách theo MBTI của cô là ENFJ (The CareGiver – Người cho đi sự quan tâm), theo đó Life Coach đã được ghi trong mô thức bản thân nhờ năng lực đặt mình trọn vẹn vào người khác để thấu hiểu và luôn mong muốn giúp đỡ người khác.
Coach Profile của Thục Linh

Release Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0966880850
Liên Hệ