Tôi bắt đầu những ngày tháng đại học với chuyên ngành nhạc kịch, nhưng chỉ sau khi kết thúc năm nhất, tôi biết rằng mình không có dự định theo sự nghiệp sân khấu. Sau đó, tôi theo học tâm lý học trước khi nhận ra tiếng gọi của bản thân với ngành marketing.
Một người bạn của tôi thì bắt đầu công việc với vai trò một nhân viên marketing. Nhưng sau khi tham gia vào chạy bộ, cô trở lại trường học và trở thành một nhà vật lý trị liệu. Một người bạn khác của tôi là một kỹ sư phần mềm qua đào tạo chuyên nghiệp, và gần đây anh ấy đã chuyển sang ngành khoa học dữ liệu.
Điểm chung của chúng tôi là gì?
Vào một số thời điểm, chúng tôi nghĩ rằng mình đã tìm ra công việc mình mơ ước – cho đến khi nhận ra rằng công việc mơ ước đấy đã không còn là công việc mình thật sự muốn nữa. Và chúng tôi phải bắt đầu xác định lại xem thật ra chúng tôi mong muốn con đường sự nghiệp của bản thân như thế nào.
Khi bạn không có một kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng thì chỉ việc nghĩ về tương lai cũng có thể khiến bạn cảm thấy hoàn toàn choáng ngợp, và đây là một số câu hỏi hữu ích mà bạn nên tự vấn bản thân. Những câu hỏi này không chỉ giúp bạn đi đúng hướng mà còn lên kế hoạch cho tương lai sự nghiệp.
Xem thêm: Mô hình Pure Coaching để tìm ra công việc mơ ước
Mình thật sự có cảm hứng với điều gì và vì sao?
Vào lần đầu tiên khi tôi quyết định thay đổi chuyên ngành của mình, tôi đã cân nhắc đến tâm lý học, bởi các vấn đề liên quan tâm trí con người luôn cuốn hút tôi. Vấn đề là tôi không bị cuốn hút khi lắng nghe vấn đề liên quan tình cảm của mọi người, và khi tôi tiếp tục tìm hiểu sâu hơn thì có vẻ như công việc về tâm lý học chính là trở thành một nhà tham vấn.
Sau khi xác định rõ những gì tôi yêu thích về tâm trí con người. Đó là cách mà bộ não chúng ta tạo ra các kết nối, xử lý thông tin và hình thành ký ức, tôi đã nhận ra rằng một công việc trong lĩnh vực marketing sẽ phù hợp với tôi hơn, bởi trong lĩnh vực này tất cả mọi thứ đều xoay quanh tìm hiểu động lực thúc đẩy của mọi người.
Tương tự như thế, khi bạn tôi bắt đầu chạy bộ, cô ấy nghĩ rằng mình muốn trở thành một huấn luyện viên thể hình. Tuy nhiên cô ấy nhận ra rằng mình không có đam mê thúc đẩy mọi người giữ vóc dáng. Thay vào đó, cô hứng thú với việc làm cho cơ thể người hoạt động trơn tru như một cỗ máy được bôi trơn bằng dầu. Chính điều này đã đưa cô ấy đến lĩnh vực vật lý trị liệu.
Khi bạn xem xét bước chuyển tiếp trong sự nghiệp, bạn nên suy nghĩ về những điều khiến bạn phấn khích khi thức dậy mỗi buổi sớm. Nhưng đừng dừng lại ở đó. Đối với mỗi sở thích hoặc đam mê, hãy thực sự cố gắng xác định điều gì bên trong nó khiến bạn phấn khích nhất. Thử nghiệm một vài hoạt động khác nhau cũng sẽ cho bạn cơ hội khám phá nhiều hơn về sở thích của mình, như các hoạt động tình nguyện, làm việc bán thời gian, phỏng vấn…
Khi làm hãy tập trung chú ý đến những thứ cho bạn động lực, và ngay cả những thứ bạn nghĩ rằng có thể cho bạn động lực nhưng kết quả thực chất lại không hề. Mục tiêu chính lúc này là đào sâu cho đến khi bạn chạm đến được những yếu tố đem lại động lực thực sự cho bản thân.
10 cách Life Coaching làm cuộc sống của bạn trở nên tuyệt vời
“Sự nghiệp mơ ước” của mình trông như thế nào?
Đây không có nghĩa là tìm kiếm một tên công việc hay một chức danh cụ thể. Bạn nên xem xét tất cả các khía cạnh của một công việc khi nghĩ về nghề nghiệp lý tưởng của mình.
Ví dụ như, bạn thích một môi trường làm việc có cấu trúc và quy định chặt chẽ hay một môi trường linh động, sáng tạo? Bạn muốn mặc com lê, đồng phục hay quần jean để làm việc mỗi ngày? Bạn muốn làm việc từ xa, du lịch đến nhiều thành phố khác nhau hay ngồi văn phòng? Mỗi câu hỏi đều có tác động đáng kể đến những loại vai trò mà bạn xem xét.
Bạn cũng nên xem xét trách nhiệm và vai trò của mình sẽ như thế nào trong một năm, ba năm hay thậm chí mười năm. Khi xem xét đến cách bạn muốn thăng tiến, hãy làm rõ lộ trình phát triển sự nghiệp của mình trông như thế nào.
Bạn sẽ thành chuyên gia vào một lĩnh vực với những kỹ năng cụ thể, hay muốn trở thành một người có hiểu biết rộng? Bạn nghĩ đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ bắt đầu với vai trò quản lý và từ bỏ các công việc của một nhân viên? (Điều này đặc biệt quan trọng cần xem xét đối với ai đang là chuyên gia). Đối với bạn, thăng chức và tăng lương được căn cứ trên kinh nghiệm làm việc, hay đòi hỏi các kỹ năng cụ thể và có chứng nhận bằng cấp?
Mặc dù bạn sẽ không thực sự biết sự nghiệp của mình sẽ phát triển như thế nào theo thời gian (hoặc thậm chí những công việc mở ra cho bạn trong tương lai), điều quan trọng là khám phá xem sự nghiệp của bạn có khuynh hướng thay đổi như thế nào khi bạn tiến về phía trước.
Công việc này phù hợp với cuộc sống của tôi như thế nào?
Rikky Rogers, một nhà báo của Muse, diễn giải trong bài viết “Công việc bạn mơ ước có phù hợp với cuộc sống mơ ước của bạn hay không?” của cô rằng một công việc khiến bạn vui vẻ không phải lúc nào cũng đưa bạn đến một cuộc sống hạnh phúc.
Chìa khóa ở đây là xem xét các lựa chọn nghề nghiệp của bạn sẽ ảnh hưởng như thế nào trong những khía cạnh khác cuộc sống như các mối quan hệ, sở thích cá nhân, thời gian dành cho gia đình, hay thậm chí cả những mảng như sức khỏe và tâm linh.
Tôi thật sự kết hợp tất cả thành một “bảng tính sự hài lòng về cuộc sống”. Trong đó xếp hạng năm điều khiến cho tôi hạnh phúc, khỏe mạnh và cho phép tôi cân nhắc mức độ hài lòng hiện tại trong những lĩnh vực đấy. Nó đặc biệt hữu ích mỗi khi tôi cân nhắc thay đổi nghề nghiệp, cho phép tôi thấy sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Một khi bạn trả lời được 3 câu hỏi lớn về sự nghiệp của mình, chính là thời điểm để bắt tay vào việc. Một lần nữa, làm rõ con đường sự nghiệp trước khi nhảy vào bước đầu tiên thường hữu ích. Và đây là cách đơn giản để làm điều đó.
Nghiên cứu những kiến thức, chứng chỉ, chứng nhận bạn cần để có thể đáp ứng và thăng tiến trong công việc, gặp gỡ những người trong ngành để xin lời khuyên khi gia nhập và hỏi thăm các nhiệm vụ mục tiêu để xây dựng sơ yếu lý lịch phù hợp.
Lập kế hoạch cho từng bước trên đường đi là điều không thể, nhưng tự hỏi bản thân những câu hỏi lớn về những gì bạn muốn ở sự nghiệp của mình có thể giúp bạn vạch ra một con đường đi tiếp theo ở bất kỳ giai đoạn nào.
Tác giả: Ashley Faus
Coach Assistant,
Nguyễn Thị Yến Phương.